Dành ra vài ngày trải nghiệm xứ sở của núi rừng, chắc chắn du khách sẽ có một chuyến đi khám phá rất thú vị nơi Tây Nguyên nắng gió, nghe kể về những câu chuyện truyền thuyết trong buôn làng và rong ruổi trên những con đường huyền thoại.
Buôn Mê Thuột là cách gọi của người dân tộc Ê Đê và Lào tại Buôn Đôn nghĩa là làng của Mẹ Thuột, là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên, độ cao 536 km, cách Hà Nội 1.410 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Dù là thành phố miền núi và có nhiều buôn làng dân tộc nhưng tốc độ tăng trưởng của Buôn Mê Thuột rất nhanh. Tuy có khá ít địa điểm du lịch nhưng thành phố vẫn thu hút rất nhiều du khách đến trải nghiệm vì con người ở đây rất thân thiện, hương vị café rất đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên và cuộc sống người dân phố núi đậm đà và đa dạng bản sắc văn hóa.
Ngã Sáu Buôn Mê Thuột
Ngã 6 Buôn Mê Thuột còn được gọi với cái tên rất mỹ miều đó là ngã 6 Ban Mê. Tọa lạc tại vị trí trung tâm thành phố và được coi là biểu tượng của thành phố, cũng giống như tượng nữ thần tự do tại Mỹ hay tháp Eiffel tại Pháp vậy. Ngã 6 Ban Mê đã rất nhiều lần đi vào thơ ca và là một địa điểm yêu thích du khách không thể bỏ qua khi đến Buôn Mê Thuột.
Ngã 6 Ban Mê là điểm xuất phát của 3 con đường trung tâm đó là Phan Chu Trinh, Nơ Trang Long và Lê Duẩn, là nơi giao nhau giữa quốc lộ 14 và quốc lộ 26.
Vào thời chiến tranh, nơi đây đã trở thành nhân chứng cho tội ác của thực dân Pháp khi quay lại đánh chiếm Buôn Mê Thuột và giết hại rất nhiều người dân vô tội ngay tại địa điểm này.
Lúc mới giải phóng, khu vực bùng binh trông còn rất hoang sơ, đầy cỏ dại, đường đất đỏ và rất lầy lội vào mùa mưa, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, diện mạo của thành phố nói chung và ngã 6 Ban Mê nói riêng đã thay đổi nhanh chóng.
Con đường giờ đây đã được rải nhựa phẳng lỳ và rộng thênh thang. Một nét xưa vẫn còn lưu giữ lại tại đây chính là nhà thờ Chánh Tòa, điểm nổi bật của ngã 6 Ban Mê và là nơi du khách rất thích thú ghi lại những hình ảnh đẹp trong chuyến đi Đăk Lăk. Còn lại là những công trình kiến trúc hiện đại như Đài tưởng niệm, khách sạn, trung tâm văn hóa, công ty du lịch Đăk Lăk, đài phát thanh truyền hình.
Chùa Khải Đoan
Một địa điểm du lịch chắc chắn sẽ nằm trong hành trình khám phá Buôn Mê Thuột đó là chùa Khải Đoan, ngôi chủa lớn nhất của thành phố Buôn Mê Thuột và là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến.
Tên chùa Khải Đoan xuất phát từ tên vua Khải Định và tên của vơi ông là Đoan Huy hoàng thái hậu. Chùa Khải Đoan còn được gọi là chùa sắc tứ Khải Đoan, nằm trên đường Phan Bội Châu. Từ thời vua Bảo Đại, mẹ của vua xây dựng và hoàng hậu Nam Phương là người trực tiếp quản lý công việc thi công.
Vì được xây dựng từ bàn tay khéo léo của các thợ cố đô Huế nên chùa mang nét đẹp xưa của kiến trúc nhà rường Huế. Chùa được xây dựng theo kết cấu chữ Tam, trước là cổng Tam quan, giữa là chánh điện, sau là nhà hậu tổ cách nhau một khoàng sân rộng. Ngoài tổng thể kiến trúc thì nội thất và tạo hình bên trong chùa rất đẹp. Giữa chánh điện là tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 1,1 m, đài sen bằng gỗ cao 0,35 m được trang trí nhiều hoa văn rất sắc sảo. Gian bên phải chánh điện là một chiếc chuông đồng lớn được đúc với kỹ thuật rất tinh xảo, phần trên khắc 4 chữ “Khải Đoan Chung Tự”. Dưới thân chuông là 8 con rồng đôi quay vào nhau, biểu tượng cho “lưỡng long triều nguyệt”.
Chùa Khải Đoan là cái nôi của sinh hoạt Phật Giáo Đăk Lăk và đã trở thành nơi mà các tín đồ phật giáo cũng như khách hành hương đến chiêm bái.
Biệt Điện Bảo Đại
Biệt điện Bảo Đại là một di tích lịch sử, trước đây là Tòa nhà Công sứ của chính phủ Pháp tại Tây Nguyên, tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du. Ngày nay, nơi đây đã được chuyển thành khu bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đăk Lăk.
Khi đến thăm Biệt Điện Bảo Đại, một số du khách sẽ liên tưởng đến nhà rông, một số khác lại nghĩ đến nhà sàn của người Êđê hoặc nhà trệt của người M’Nông. Chung quy thì Biệt Điện mang đậm dáng dấp của nét kiến trúc Tây Nguyên núi rừng, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc khác nhau.